Công nghiệp bao bì Việt Nam hướng tới phát triển bền vững
Với hơn 14.000 doanh nghiệp, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định. Dù vậy, ngành này cũng gặp phải những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững…
Tác động bởi đại dịch Covid-19 đã tạo ra thói quen tiêu dùng ưu tiên sự tiện lợi, đây cũng chính là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, làm gia tăng lượng chất thải ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam – EBI năm 2023, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2023 sẽ vượt trên 25% và đạt quy mô hơn 20 tỷ USD. Trái ngược với những biến động trong suy thoái thế giới, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực châu Á.
Theo ông BT Tee, Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam, trong những năm qua, ngành chế biến, đóng gói thực phẩm và đồ uống đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, các ứng dụng giao hàng, cùng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, sự phát triển này đặt ra nhu cầu cấp bách về việc bảo vệ tài nguyên và môi trường, Việt Nam đang đối mặt với thách thức phải xử lý lượng rác thải ngành hàng tiêu dùng nhanh gia tăng đột biến.
“Nhiều nhà sản xuất bao bì đang nỗ lực mạnh mẽ để sáng chế ra các công nghiệp, vật liệu và thiết kế mới tạo ít chất thải hơn, có khả năng tái chế cao, giá thành thấp và quy trình đơn giản hơn”, ông BT Tee cho biết thêm.
Hiện nay, bao bì là một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong việc bảo quản, vận chuyển và phân phối hàng hóa. Theo dự báo của Market Research Future, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) cho thị trường toàn cầu của bao bì nhựa là 3,6%, bao bì giấy là 4,7% trong giai đoạn 2023 – 2030.
Về thị trường bao bì nhựa Việt Nam, theo Mordor Intelligence dự kiến sẽ tăng từ 10,07 triệu tấn vào năm 2023 lên 15,09 triệu tấn vào năm 2028, với mức tăng trưởng hàng năm trung bình đạt 8,44% (2023 – 2028).
Trong đó, bao bì giấy dự kiến đạt mức tăng trưởng đáng kể, từ 2,37 tỷ USD vào năm 2023 lên 3,77 tỷ USD vào năm 2028, với mức CAGR là 9,73%. Đồng thời, bao bì cho ngành thực phẩm, đồ uống tiếp tục chiếm thị phần đáng kể.
Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam, cho biết nhìn chung công nghiệp bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân là 13,4%/năm.
Thống kê từ Hiệp hội Bao bì Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp bao bì. Trong đó, bao bì giấy khoảng 4.500 doanh nghiệp và bao bì nhựa khoảng 9.200 doanh nghiệp.
“Tương lai công nghiệp bao bì sẽ còn phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, chính vì vậy công nghiệp bao bì cũng là ngành hấp dẫn nguồn vốn đầu tư từ nhiều quốc gia”, ông Sang nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Sang cũng nhận định ngành công nghiệp bao bì Việt Nam cũng đối đầu nhiều thách thức, cần phải tăng sức cạnh tranh bằng quản lý hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng công nghiệp bao bì thành ngành công nghiệp xanh đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững.
Trong bối cảnh đó, triển lãm quốc tế lần thứ 16 về “Công nghệ xử lý, Chế biến, Đóng gói bao bì tại Việt Nam – ProPak Vietnam 2023” do Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức sẽ được diễn ra từ ngày 08 – 10/11/2023 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), TP.HCM.
Tại triển lãm, khách tham quan, doanh nghiệp sẽ được khám phá các máy móc vận hành cỡ lớn, trải nghiệm các vật liệu bao bì mới, tiếp cận công nghệ, ý tưởng sáng tạo kỹ thuật từ khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội đổi cùng nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành, tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng. Từ đó nâng cao chất lượng ngành công nghiệp bao bì Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh, bền vững.
Với diện tích trưng bày lên đến 10,000m2, ProPak Vietnam 2023 đón hơn 400 đơn vị trưng bày đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đa phần nhà trưng bày đến từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Ba Lan, Hà Lan, Úc, Áo, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và nhiều quốc gia khác.